Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Truyền hình HD “đổ bộ” lên Internet

Công Nghệ Số - Các kênh truyền hình HD và dịch vụ xem phim theo yêu cầu (VOD) đang được các nhà cung cấp tích hợp vào các đầu giải mã tín hiệu truyền hình Internet. 

Thay vì lệ thuộc vào nguồn cung cấp từ các nhà đài, bạn hoàn toàn có thể xem phim online hoặc thưởng thức các trận bóng đá truyền hình trực tiếp thông qua Internet.

 


Điểm nhấn VOD


      Bên cạnh các nhà cung cấp dịch vụ giải trí trực tuyến thông qua hạ tầng mạng ADSL như VNPT, Viettel, FPT…, bắt đầu có sự tham gia của các đơn vị cung cấp gói dịch vụ giải trí qua mạng truyền hình cáp – truyền hình vệ tinh. Các nhà đài như VTV, SCTV, VTC… cũng tung ra dịch vụ truyền hình Internet – VOD (Video-On-Demand) thông qua các thiết bị kết nối Internet như smartphone, máy tính bảng, PC, TV thông minh…


      Các dịch vụ này thường đi kèm gói cước ADSL thông thường hoặc cáp quang (fiber); khách hàng chỉ có thể xem truyền hình Internet trên đường truyền ADSL của nhà cung cấp dịch vụ đó. Nếu chọn gói dịch vụ truyền hình MyTV của VASC (thuộc VNPT) thì bạn phải đang dùng dịch vụ ADSL của VNPT.


      Cả FPT, Viettel, VNPT… đều có gói dịch vụ truyền hình Internet (IPTV) cùng với một số dịch vụ gia tăng như nhạc số, karaoke trực tuyến… Điểm nhấn của IPTV là nhóm kênh truyền hình trực tiếp (LiveTV) và dịch vụ xem phim theo yêu cầu (VOD).


      Một số đơn vị như Sơn Ca Media, Vân Phong… cũng tích cực nhập khẩu – đặt hàng gia công các bộ giải mã tín hiệu IPTV để tham gia vào thị trường dịch vụ giải trí trực tuyến. Các bộ giải mã này được tích hợp sẵn các ứng dụng để xem truyền hình Internet, xem phim online…


      Hiện tại, kho phim iCine trên bộ giải mã HDM3 của Sơn Ca Media có khoảng 3.000 đầu phim và cũng được cập nhật khá thường xuyên. Một số kho phim trực tuyến khác có thể có từ 10.000 đến vài chục ngàn tựa phim. Một điều cần lưu ý là cho đến giờ vẫn chưa có chủ sở hữu nào dám khẳng định tất cả đều là phim có bản quyền.


      Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc công ty VASC, phụ trách chi nhánh phía Nam cho biết truyền hình Internet giúp người dùng thưởng thức nội dung giải trí trực tuyến một cách chủ động hơn. Khách hàng có thể xem lại các chương trình trực tiếp bóng đá phát từ hôm trước mà không cần chờ đến giờ nhà đài phát lại.


      Trong tương lai, các đơn vị cung cấp dịch vụ giải trí online còn có khả năng giúp khách hàng “xem trước” chương trình truyền hình, chẳng hạn có một bộ phim 40 tập đang phát trên đài X đến tập 38… nhưng bạn muốn xem trước tập 39 – 40 do tò mò về kết cuộc của nhân vật chính. Truyền hình IPTV sẽ giúp bạn điều đó, một điều không thể làm được nếu như bạn đang sử dụng dịch vụ truyền hình cáp hoặc vệ tinh.

Nội dung đa dạng


 


     Công ty Dịch vụ Trực tuyến Vân Phong cũng tận dụng ưu thế của IPTV để giới thiệu gói dịch vụ xem phim – nghe nhạc số trực tuyến. Không chỉ dừng lại ở tính năng xem phim – nghe nhạc số, Vân Phong sẽ cung cấp thêm các tính năng hữu ích khác như mua sắm, đọc sách báo điện tử, chơi game trực tuyến… cho bộ giải mã BeeHD.

      Ông Lê Văn Chính, Cố vấn Kỹ thuật Sơn Ca Media cho biết công ty phối hợp với các đơn vị cung cấp nội dung số trực tuyến nhằm mục đích làm đa dạng ứng dụng giải trí cho sản phẩm set-top-box HDM3. Bên cạnh ưu thế là kho bài hát karaoke trực tuyến 10.000 bài, Sơn Ca còn cung cấp tiện ích xem phim online, thưởng thức các video clip đặc sắc… từ một số nhà sản xuất phim/đĩa nhạc.


       Đồng thời, các đơn vị cung cấp truyền hình trực tuyến còn phát triển ứng dụng xem truyền hình – xem VOD trên nền tảng hệ điều hành iOS, Android… SCTV đã ra mắt phiên bản Beta của ứng dụng TV24; VASC cũng trình làng ứng dụng MyTVnet… trên kho ứng dụng Android và iOS; VTV cũng giới thiệu ứng dụng VTV Plus dành cho iOS…


      Hiện tại, người dùng smartphone – máy tính bảng iOS và Android đã có thể thưởng thức các kênh truyền hình VTV, SCTV, VTC…, hoặc xem nội dung VOD thông qua các ứng dụng MyTVnet (VASC), TV24 (SCTV)… Một số chương trình truyền hình game show hoặc talk show cũng được bổ sung cho nhóm ứng dụng giải trí.


       Dịch vụ truyền hình Internet của Đài truyền hình TP.HCM (HTV) cũng hứa hẹn việc ra mắt ứng dụng giải trí trực tuyến trong Q3/2013. Ứng dụng này sẽ cho phép truy cập vào kho phim truyện trong và ngoài nước (đầy đủ bản quyền) của HTV.

Truyền hình HD – 3D


     Các đơn vị cung cấp gói dịch vụ truyền hình kỹ thuật số đang tích cực tăng nhanh số lượng kênh truyền hình độ nét cao (HD). Số kênh HD và chất lượng các kênh HD đang trở thành yếu tố quan tâm đầu tiên của người tiêu dùng khi chọn lựa dịch vụ truyền hình kỹ thuật số.


      Trung bình các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số có khoảng 12 – 14 kênh truyền hình HD. Mức cao nhất về kênh HD cho đến thời điểm này là 30 kênh và tạm thời VTVcab (công ty Truyền hình Cáp Việt Nam) đang dẫn đầu về số lượng kênh HD.


      Với thế mạnh của mình, các nhà đài VTC, VTVcab, SCTV và K+ (có vốn của VTV)… sẽ dễ dàng tăng nhanh số lượng kênh HD “tự có” vì họ có thể sản xuất chương trình truyền hình. Trong khi đó, các nhà cung cấp dịch vụ khác chỉ có thể sử dụng kênh HD từ nhóm kênh nước ngoài hoặc liên kết với nhà đài khác để bổ sung kênh HD.


      Điển hình như VTC Entertainment (Công ty VTC Giải trí Đa phương tiện) đã chủ động đưa nguồn phim truyện có thuyết minh (tiếng Việt) của mình vào gói dịch vụ xem phim VOD và LiveTV (truyền hình trực tiếp) trên đầu thu ZTV E-Class. Khách hàng cũng có thể thuê từng phim lẻ/bộ hoặc chọn kênh truyền hình yêu thích thay vì đăng ký trọn gói.


      Đồng thời, VTC Entertainment cũng là nguồn cung cấp phim 3D để khách hàng có thể xem phim 3D trực tuyến từ đầu thu ZTV. Tuy nhiên, việc xem phim 3D trực tuyến cần hội đủ các điều kiện như TV 3D và kính 3D (chủ động hoặc thụ động). Hiện tại, các phim 3D trực tuyến vẫn chủ yếu thuộc nhóm phim 3D Side-By-Side hoặc Top-And-Bottom.

Sự phổ biến của truyền hình HD sẽ mang đến cho người xem những hình ảnh chất lượng tốt nhất, chân thực nhất!


ĐỌC THÊM: 

Thiết bị thu, phát truyền hình số phải được chứng nhận hợp quy

Công nghệ số - Dự kiến, Bộ TT&TT sẽ ban hành quy định với chứng nhận hợp quy đối với các thiết bị thu, phát truyền hình số được sản xuất hoặc nhập khẩu vào thị trường Việt Nam vào cuối năm 2013.


Từ năm 2014, các thiết bị thu, phát truyền hình số lưu hành ở Việt Nam phải được chứng nhận hợp quy, đủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ TT&TT

Theo Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ TT&TT), cuối năm 2013 Bộ TT&TT sẽ ban hành quy định về chứng nhận hợp quy đối với các thiết bị thu, phát truyền hình số được sản xuất hoặc nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Theo đó, tất cả những thiết bị như đầu thu truyền hình số, tivi có tích hợp đầu thu truyền hình số phải được sản xuất theo đúng quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam. Các doanh nghiệp phải tự công bố hợp quy và tuân thủ đúng các quy chuẩn được ban hành trước khi đưa vào thị trường.

Chi tiết tại:

Thiết bị thu, phát truyền hình số phải được chứng nhận hợp quy

 


Tags:

0 Responses to “Truyền hình HD “đổ bộ” lên Internet”

Đăng nhận xét

Subscribe

Donec sed odio dui. Duis mollis, est non commodo luctus, nisi erat porttitor ligula, eget lacinia odio. Duis mollis

Designed by dichvuseosem.net |