Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Đưa PTIT trở thành trường đào tạo CNTT trọng điểm quốc gia

Công Nghệ Số - Tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường Bưu điện - tiền thân của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), Bộ trưởng Bộ  TT&TT Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo Học viện phấn đấu đưa trường trở thành một trường trọng điểm quốc gia về CNTT.



Hôm nay (ngày 17/9/2013), tại Hà Nội và TP.HCM, đã diễn ra lễ kỷ niệm 60 thành lập trường Bưu điện - đơn vị tiền thân của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ngày nay. Buổi lễ có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son; nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá; nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện Nguyễn Huy Luận; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Phạm Long Trận cùng các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giáo viên, nghiên cứu viên, học sinh, sinh viên của trường Bưu điện qua các thời kỳ.


Ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của trường Bưu điện, ông Hoàng Minh - Giám đốc Học viện cho biết, năm 1953, cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta đã giành được những thắng lợi quan trọng. Lúc này ngành Bưu điện phải khẩn trương tăng cường đội ngũ cán bộ có kỹ thuật nghiệp vụ, phát triển mạng lưới thông tin đáp ứng yêu cầu tác chiến trên các chiến trường. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông công chính và Bộ Giáo dục đã ra nghị định về việc quyết định thành lập trường Bưu điện-Vô tuyến điện.

“60 năm đã trôi qua kể từ khi mái trường Bưu điện Vô tuyến đầu tiên được thành lập ngày 7/9/1953 tại xã Cao Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, trải qua nhiều lần đổi tên như: trường chuyên nghiệp Bưu điện, trường Cán bộ Bưu điện - Truyền thanh, trường Đại học Kỹ thuật Thông tin Liên lạc, trường Cán bộ Bưu điện, Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông 1 và nay là Học viện Công nghệ BCVT, mặc dù quy mô và cấp độ đào tạo có thay đổi cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn, song mái trường này vẫn là “cái nôi” đào tạo cán bộ lớn nhất trong cả nước về bưu chính viễn thông”, ông Hoàng Minh nói.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, suốt 60 năm qua, trường Bưu điện trước đây và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ngày nay đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật nghiệp vụ quản lý tương đối đồng bộ, đáp ứng kịp thời nhu cầu của mạng lưới thông tin Bưu điện từ trong kháng chiến giành độc lập dân tộc thống nhất nước nhà đến thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc đổi mới xây dựng phát triển đất nước. Hầu hết các cán bộ, kỹ sư của trường đều được trang bị đầy đủ kiến thức cả về lý thuyết lẫn thực hành nên chỉ sau thời gian ngắn ra công tác đã có thể phát huy được khả năng độc lập sáng tạo, giải quyết được các vấn đề kỹ thuật, nghiệp vụ và hoàn thành các nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển vượt bậc của ngành Bưu điện Việt Nam trong các thời kỳ vừa qua.

Cũng theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, dù ở thời kỳ nào, các thế hệ cán bộ, giáo viên và công nhân viên của trường Bưu điện đều nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, các thế hệ học sinh, sinh viên của trường luôn giữ vững truyền thống tôn sư trọng đạo - một đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Họ đã phấn đấu hết mình, đề cao tinh thần hiếu học, cầu tiến, không ngừng vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao trí tuệ thông tin hiện đại, sống trong sáng, nghĩa tình, thủy chung với bạn bè, đồng chí.

Năm 1997, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được thành lập là sự kế thừa quá trình phát triển của trường Bưu điện, là sự vận dụng sáng tạo Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về thí điểm mô hình tổ chức đào tạo gắn liền với nghiên cứu khoa học và thực tế sản xuất kinh doanh của ngành Bưu điện Việt Nam. “Với tinh thần chủ động sáng tạo, Học viện đã từng bước huy động có hiệu quả các nguồn lực của doanh nghiệp và xã hội để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư cho đào tạo và nghiên cứu khoa học. Học viện cũng được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thu học phí từ người học để đảm bảo cân bằng các chi phí thường xuyên của nhà trường. Đây là cơ sở quan trọng tạo ra bước đột phá căn bản để thu hút các nguồn lực từ xã hội phục vụ cho hoạt động của Học viện, qua đó Học viện đã có điều kiện để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, đồng thời tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Học viện trước người học và trước xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với việc biểu dương những thành tích, đóng góp của các thế hệ cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh, sinh viên, nghiên cứu viên trường Bưu điện đối với sự phát triển của ngành TT&TT nói riêng và đất nước nói chung, Bộ trưởng cũng đề nghị Học viện trong giai đoạn phát triển tới đây cần quán  triệt sâu sắc kết luận của BCH Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; đồng thời bám sát chiến lược phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2020, quy hoạch nguồn nhân lực CNTT Việt Nam đến năm 2020 để tiếp tục đổi mới, phát triển theo hướng hội nhập, đạt trình độ khu vực và quốc tế, tạo bước chuyển biến căn bản để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển CNTT-TT đất nước, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày nay.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo, thời gian tới, mô hình tổ chức của Học viện sẽ có sự thay đổi cùng với quá trình tái cơ cấu Tập đoàn VNPT. Đây là cơ hội để Học viện tiếp tục đổi mới và phát triển, tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chuyển giao công nghệ theo yêu cầu của xã hội và hoạt động khoa học công nghệ để thực sự trở thành một hạt nhân, đòn bẩy cho hoạt động giáo dục đào tạo. Trên cơ sở đó, phấn đấu xây dựng Học viện trở thành một trường trọng điểm quốc gia về CNTT.

“Bộ TT&TT luôn bám sát và ủng hộ định hướng chiến lược của Học viện và tin tưởng rằng với truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, với đội ngũ các thầy giáo, cô giáo, các nhà khoa học năng động, trí tuệ và tâm huyết, với đội ngũ cán bộ công nhân viên hết lòng vì sự nghiệp chung, Học viện sẽ trở thành một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu về CNTT-TT hàng đầu đất nước, một trường đại học có thương hiệu trong khu vực, đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và tích cực góp phần đưa Việt Nam trở thành nước mạnh bằng CNTT trong những năm tới”, Bộ trưởng nói. 

  
Tìm kiếm google:
ptit
ptit.edu.vn
công ty tin học

Tags:

0 Responses to “Đưa PTIT trở thành trường đào tạo CNTT trọng điểm quốc gia ”

Đăng nhận xét

Subscribe

Donec sed odio dui. Duis mollis, est non commodo luctus, nisi erat porttitor ligula, eget lacinia odio. Duis mollis

Designed by dichvuseosem.net |